15/08/2014 06:00 GMT+7

​Thủ tục xây dựng: Trên bảo thế này, dưới bảo thế khác

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu như trên tại cuộc làm việc của  Thủ tướng ngày 14-8.

Một dự án ở phố Đội Cấn (Hà Nội) đang dang dở vì vướng thủ tục hành chính về chuyển đổi tỉ lệ căn hộ - Ảnh: Việt Dũng
Một dự án ở phố Đội Cấn (Hà Nội) đang dang dở vì vướng thủ tục hành chính về chuyển đổi tỉ lệ căn hộ - Ảnh: Việt Dũng

Ngày 14-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục làm việc với hai bộ Xây dựng và Tài nguyên - môi trường về chủ đề cải cách thủ tục hành chính để tăng năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng cho rằng thủ tục hành chính (TTHC) trong xây dựng còn rườm rà, nhiêu khê, nhũng nhiễu. Nhận định này có ngay dẫn chứng khi Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc họp.

“Ở trên thế này nhưng xuống dưới thế khác”

TP.HCM đã đơn giản nhiều thủ tục

Sau ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông “chê” TP.HCM “đẻ” thêm thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM lý giải: “Tôi không rõ lắm các thủ tục mà thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nói TP.HCM tăng thêm cụ thể là những thủ tục nào. Tuy nhiên, Sở Xây dựng không phải là cơ quan duy nhất thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng mà còn nhiều sở ngành liên quan khác thực hiện những bước thủ tục trước đó”. 

Trong khi đó, ông Đào Anh Kiệt, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cho hay: “Ngành tài nguyên - môi trường TP.HCM đã đơn giản nhiều thủ tục so với quy định chung chứ không phải đặt thêm thủ tục. Nếu còn thủ tục nào không thật sự cần thiết mà chúng tôi chưa giảm được là do các quy định pháp luật buộc như vậy”. 

K.YÊN

Đó là lời của ông Đặng Huy Đông.

“Con số thủ tục mà Bộ Xây dựng báo cáo chỉ mới là căn cứ vào quy định và văn bản pháp luật đơn thuần của Nhà nước, còn thực tế khi về địa phương tùy vào điều kiện cụ thể của từng nơi còn rườm rà và mất thời gian hơn nhiều” - ông Đông nói.

Dẫn chứng như đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ông Đông cho hay theo quy định có 19 TTHC để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, tuy nhiên thực tế tại TP.HCM lại có tới 40 thủ tục gồm cấp giấy phép đầu tư, cấp đất, thủ tục xây dựng...

Trong số này chỉ riêng thủ tục xây dựng, theo quy định của bộ là 7 thủ tục, nhưng tại địa phương này đã nâng lên con số 12 thủ tục...

Đột ngột ngắt lời để phản hồi ông Đông, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Đó có thể là do trong quá trình cấp phép xây dựng tại địa phương làm khó khăn, còn thực tế quy định chỉ có chừng đó”.

“Bộ trưởng nói đúng, quan điểm của bộ là như thế này nhưng khi về địa phương lại biến thành khác đi”, tiếp lời bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Đặng Huy Đông nói.

Mất gần 450 ngày làm việc để khởi công một dự án

Theo công bố của Bộ Xây dựng, đối với những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thông thường phải thực hiện khoảng 15 TTHC hoặc nhóm TTHC.

Chưa tính thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thì tổng thời gian thực hiện các TTHC trên mất 260 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 280 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình.

Trong khoảng thời gian này, chủ đầu tư phải trải qua các thủ tục với nhiều bộ ngành như cơ quan chuyên ngành kế hoạch và đầu tư (3 thủ tục tốn 80-100 ngày), cơ quan chuyên ngành tài nguyên và môi trường (3 thủ tục,  80 ngày), cơ quan chuyên ngành xây dựng (3-4 thủ tục với 60-190 ngày tùy theo nhóm dự án và loại công trình), cơ quan chuyên ngành tài chính (một thủ tục mất 6-12 tháng tùy theo nhóm dự án)...

Ngoài ra, còn một số thủ tục thuộc trách nhiệm thực hiện của các cơ quan khác như cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng), cơ quan thuế, các đơn vị quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

“Kinh hoàng” hơn, riêng đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước cần phải thông qua 18 thủ tục hoặc nhóm TTHC trong 392 ngày (dự án nhóm C) đến 447 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình. Đó là chưa tính thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ của nhà đầu tư. Ngoài ra, để hoàn thiện các thủ tục trên, chủ đầu tư công trình cũng phải thông qua hàng chục cơ quan chuyên ngành, đơn vị khác nhau...

“Nhiều trường hợp do yêu cầu của cơ quan thực hiện TTHC, chủ đầu tư phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần, phải liên hệ giao dịch với nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí. Nghiêm trọng hơn, do cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu công cụ xử lý đầu vào, chưa phân định rõ phương thức quản lý dẫn tới vướng mắc, ách tắc trong thực hiện TTHC. Nhiều trường hợp tùy tiện, phát sinh cơ chế xin - cho” - Bộ trưởng Dũng thẳng thắn thừa nhận.

Mô hình ĐHQG Hà Nội, một dự án quy hoạch từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay đã mười mấy năm nhưng vẫn chưa làm xong - Ảnh: Lâm Hoài
Mô hình ĐHQG Hà Nội, một dự án quy hoạch từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay đã mười mấy năm nhưng vẫn chưa làm xong - Ảnh: Lâm Hoài

 

Dân còn kêu, doanh nghiệp còn kêu

Dẫn chứng báo cáo của Ngân hàng Thế giới về 11 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam thì thủ tục về cấp phép xây dựng của Việt Nam xếp 28/185 quốc gia, tăng 39 bậc so với năm 2012 và là một trong hai chỉ tiêu thăng hạng, Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực mà ngành xây dựng đã đạt được.

Tuy nhiên, ông cho rằng so với yêu cầu từ thực tế, so với nhu cầu hội nhập để phát triển, ngành xây dựng cần phải làm nhiều hơn mới đáp ứng được.

Thủ tướng phân tích: “Dù đạt kết quả như thế nhưng thời gian cấp phép đầu tư xây dựng còn dài quá, chậm quá, chưa được minh bạch, còn nhũng nhiễu, chưa thống nhất xuyên suốt, trung ương thì thế này, thành phố, địa phương thì thế khác”.

Thủ tướng cũng chỉ rõ hiện nay thời gian từ cấp phép đến khi thi công một công trình xây dựng tại Việt Nam còn dài quá so với thế giới, so với đòi hỏi thực tiễn lẫn cả năng lực hiện có. Nhiều nơi còn tiêu cực trong giải quyết TTHC. Điều này vừa tạo ra môi trường đầu tư không tốt vừa khiến chi phí đầu tư cao, giá công trình cao dẫn tới sức cạnh tranh của nền kinh tế kém.

“Một công trình mà mất 3-4 năm, có cái tận 5 năm từ khi bắt đầu thủ tục tới khi hoàn thành xây dựng, đó là chưa nói thanh quyết toán... Các đồng chí ngồi đây đều biết hết, thủ tục đầu tư từ công tới tư nhiều điểm còn rắc rối phiền hà. Mà rắc rối phiền hà có phải để tốt hơn đâu, mà đó chính là sai sót, là những kẽ hở, là cố tình nhũng nhiễu. Thủ tục còn nhiều tới mấy chục mục như vậy, mất hàng năm trời thì chắc chắn dân còn kêu, doanh nghiệp còn kêu chúng ta là đúng thôi” - Thủ tướng nói.

Dẫn chứng như quy hoạch ĐHQG Hà Nội từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay đã mười mấy năm trôi qua nhưng vẫn chưa làm xong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong khi cũng chừng đó thời gian, một quốc gia phát triển đã có thể hội đủ điều kiện để tiến lên nhanh về mọi mặt.

“Tôi đề nghị cái nào cần quản lý thì quản lý chặt, cái nào không cần thiết thì dứt khoát phải cắt bỏ” - Thủ tướng nhấn mạnh. “Nhất thiết phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả song song với tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư. Làm thế nào trong năm 2015 phải cắt giảm được 1/3 thời gian thực hiện TTHC về đầu tư xây dựng” - ông kết luận.

Thủ tục về đất đai phải tiện cho dân và doanh nghiệp

Chiều 14-8, phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai phải đảm bảo tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp và hiệu quả trong công tác quản lý.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, ngay sau khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, các dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai đã được củng cố và hoàn thiện. Các thủ tục hành chính được cải cách theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ TN-MT, đối với các địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai, số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai chỉ còn 41, giảm 33 thủ tục so với trước. Tương tự, đối với nơi chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai, số thủ tục đã công bố là 63, giảm 11 thủ tục so với bộ thủ tục trước đây.

Ngoài ra, tổng thời gian giải quyết đối với từng thủ tục hành chính về đất đai theo hướng nhiều thủ tục giảm thời gian thực hiện hơn so với trước đây, giảm 2-25 ngày. Đồng thời bộ cũng rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hoặc công việc không cần thiết.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT lập kế hoạch cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó đề ra lộ trình cụ thể để tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ 

TN-MT tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định thủ tục hành chính về đất đai tại các địa phương. “Đất đai là lĩnh vực liên quan mật thiết tới người dân, doanh nghiệp. Vì vậy mỗi thủ tục hành chính được ban hành đều phải kiểm tra. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm và kịp thời các cơ quan, tổ chức quy định thêm thủ tục, hồ sơ, không thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN-MT tập trung đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương kiện toàn và tổ chức lại văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất một cấp.

X.LONG - T.CƯỜNG

 

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp